Trang:Nho giao 3.pdf/205

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

205
NHO-GIÁO


là đều chủ lấy sự xét tâm tính và luân-lý làm chủ đích, song mỗi người bàn ra một phương-diện khác nhau.

Tính. — Bàn về tính, thì Trình Y-xuyên cho tính là lý, mà lý thì không bao giờ là không thiện. Ông nói rằng: « Trời phó cho gọi là mạnh, bẩm lấy ở ta gọi là tính, thấy ở các sự vật gọi là lý. Lý, tính, mạnh, ba điều ấy không khác nhau. Cùng lý thì tận tính, tận tính thì tri thiên-mạnh. Thiên-mạnh cũng như thiên-đạo. Lấy cái dụng mà nói thì gọi là mạnh, mạnh là nói về tạo-hóa vậy. » Tuy ông không nói tính là khí, nhưng ông vẫn cho lý với khí là một. Ông nói rằng: « Luận tính mà không luận khí, thì không đủ, luận khí mà không luận tính, thì không sáng. Chia ra làm hai là không phải. » Về sau Chu Hi cho lý với khí là một cũng là theo cái ý-kiến ấy vậy.

Tính thì không có điều gì là không thiện, có điều không thiện là ở cái tài 才. Tài là bẩm ở cái khí. Khí có thanh trọc, ai bẩm cái khí thanh là người hiền, bẩm cái khí trọc là người ngu. Hiền là tài thanh, ngu là tài trọc. Vậy tính thì chỉ có thiện, mà tài thì có thiện ác.

Cái thuyết ấy, đại-ý cũng giống như cái thuyết của Trương Hoành-cừ, phân ra tính của trời đất và tính của khí-chất vậy.