Trang:Nho giao 3.pdf/22

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

22
NHO-GIÁO


Học kim-văn hay cổ-văn đều theo lối học huấn-hỗ cả. Những người học huấn-hỗ trứ-danh hơn cả ở đời Tây-Hán, thì có Khổng An-Quốc 孔 安 國, và ở đời Đông-Hán thì có Mã Dung 馬 融 và Trịnh Huyền 鄭 玄 tức là Trịnh Khang-thành 鄭 康 成.

Những nhà dạy kinh thủa ấy mỗi người dạy một lối. Ai dạy lối nào, thì thầy trò lưu-truyền cho nhau mãi mãi, lập thành ra môn-phái riêng. Ở đời Đông-Hán có người dạy học-trò đông đến năm bảy nghìn người, hoặc đến hàng vạn người. Song phần nhiều các học-giả chỉ bo bo ở chỗ chương-cú, chuộng sự phồn-hoa, chứ không mấy người học về đường tu trí luyện đức. Tuy nhiên Hán-nho rất có công với sự học về việc làm cho hậu-thế biết rõ cái chế-độ và văn-vật đời Tam-Đại, và định rõ nghĩa các sách vở của Nho-giáo, để hậu-nho theo đó mà học-tập. Song cũng vì Hán-nho mà có cái tục thủ-cựu và nệ-cổ, gây thành cái thông-tệ cho học-giả đời sau vậy.

Nho-học đời Lưỡng-Hán lấy kinh Xuân-thu làm cốt. Phàm sự tin-tưởng và sự chính-trị, việc gì cũng lấy nghĩa sách Xuân-thu mà định phải trái. Ngoài sách Xuân-thu và các kinh ra, đại để học-giả theo cái học thượng-lễ và nhất-tôn của Tuân-tử, hơn là theo cái tâm-học của Mạnh-tử. Các học-giả đời Hán lại hay thiên về những điều tai-dị.