Trang:Nho giao 3.pdf/223

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

223
NHO-GIÁO


là cái tổng danh để gọi cái lý của trời đất và vạn vật, có phải không? » — Rằng: « Thái-cực chỉ là cái lý của trời đất và vạn vật. Nói ở trời đất, thì trong trời đất có cái Thái-cực; nói ở vạn vật, thì trong vạn vật, mỗi vật có một cái Thái-cực. »

Thái-cực là lý. Trong vạn vật, mỗi vật có một Thái-cực, nhưng tóm cả lại là chỉ có một Thái-cực, cũng như là nói trong vạn vật, mỗi vật có một lý, nhưng tóm cả lại là chỉ một lý mà thôi. Cái thuyết cũng tương-tự cái thuyết của Trương Hoành-cừ nói về Thái-hư.

Lý thì không phân biệt ra khác nhau được, dẫu có chia ra làm nghìn, làm vạn mối cũng chỉ là một gốc mà thôi. Khí thì chia ra làm nhiều loài, mà mỗi loài một khác. Sự khác nhau ấy bởi tại khí có thanh, trọc, hậu, bạc, cho nên mới thành ra có sai biệt.

Tính. — Vạn vật tuy có sai biệt, nhưng vật nào cũng có cái Thái-cực. Cái Thái-cực ấy ở vào bậc thánh hiền thì cái tia sáng phát hiện ra như hòn ngọc quý nằm trong nước trong, mà ở vào người ngu dại, thì nó tối mờ đi, như hòn ngọc nằm trong chậu nước đục vậy.

Thái-cực ở trong người ta là cái tính bản-nhiên của mình. Cái tính ấy theo bản-nguyên của nó thì ai cũng như ai cả. Song người ta lại bẩm thụ cái khí mà sinh ra, tất là có cái