Trang:Nho giao 3.pdf/228

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

228
NHO-GIÁO


cả. Sự vận-hành thì có thứ bậc, là: xuân, hạ, thu, đông, mà cái khí xuân sinh là thông suốt cả. Cái tâm của người ta cũng có bốn đức, là: nhân, nghĩa, lễ, trí, mà nhân thì bao bọc hết cả. Sự phát dụng thì có: ái, cung, nghi, biệt, mà lòng trắc-ẩn là suốt hết cả. Cho nên luận cái tâm của trời đất mà nói Kiền nguyên, Khôn nguyên, thì cái thể cái dụng của bốn đức không đợi kể hết mà đủ; luận cái vi-diệu của tâm người ta, mà nói nhân là cái tâm của người, thì cái thể cái dụng của bốn đức không đợi kể hết mà gồm được suốt cả. Cái đạo của nhân là cái tâm sinh vật của trời đất, cứ có vật là có tâm. Lúc cái tình chưa phát ra, thì cái thể đã đủ, mà lúc cái tình đã phát ra, thì cái dụng không cùng. Nếu hiểu được mà giữ lấy nhân, thì cái nguồn của mọi điều thiện, cái gốc của trăm nết, không có điều gì là không ở đó. Bởi thế sự dạy của người học theo đạo Khổng cần khiến các học-giả phải chăm chăm ở chỗ cầu đạo nhân vậy. Khổng-tử nói rằng: « Khắc kỷ phục lễ vi nhân » là nói: trừ bỏ cái tư-tâm của mình, phục lại cái thiên-lý, thì cái thể của tâm ấy ở đâu mà chẳng có, cái dụng của tâm ấy ở đâu mà chẳng phát hành ra. Lại nói: « Cư xử cung, chấp sự kính, dữ nhân trung », thì cũng là để còn cái tâm ấy vậy. Lại nói: « Sự thân hiếu, sự huynh đễ, cập vật thứ », thì cũng là