Trang:Nho giao 3.pdf/23

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

23
NHO-GIÁO


Đã cho tai-dị quan-hệ đến việc người, thì hơi có việc gì cũng lấy âm dương ngũ hành mà xét-đoán. Bởi vậy đời Đông-Hán rất tin sấm-vĩ. Sử chép rằng: Vua Quang-vũ dùng người và làm việc chính-trị, cứ lấy sấm-văn mà quyết. Tin như thế, thành ra sự mê-tín không hợp với nghĩa lý nữa.

Hán-học đã có cái mê-tín ấy và lại chỉ chăm chăm ở chỗ tầm chương trích cú, tìm cái nghĩa vụn-vặt từng chữ, bỏ mất cái ý thâm-viễn hoằng-đại của thánh hiền, cho nên về đường đạo-lý càng ngày càng kém đi. Bởi vậy có nhà luận-giả nói rằng: « Tai-dị làm loạn mất cái nghĩa, huấn-hỗ làm loạn mất lời nói ». Cũng vì thế mà Nho-học đời Hán xa cái đạo của thánh-nhân. Ấy là một sự biến-tướng của Nho-giáo trong đời Hán vậy.

Sự kết-quả của Hán nho. — Hán nho tuy theo không đúng cái tôn-chỉ của Khổng-học, nhưng nhờ có sự kinh-học mà sau thành ra cái học trọng danh-tiết rất thịnh ở đời Đông-Hán. Lương Khải-Siêu làm sách Trung-quốc học-thuật tư-tưởng biến-thiên sử, xét đến cái kết-quả của Hán nho, nói rất phải: « Hán nho vốn lấy cái danh-giáo làm mục-đích, cho nên rèn tập liêm-sỉ phương-trực và sùng-thượng danh-tiết, lấy đó làm cái gốc công đức và tư đức. Vua Vũ-đế tuy có biểu-chương