Trang:Nho giao 3.pdf/230

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

230
NHO-GIÁO


nhân, công là cái thể của đạo nhân, như nói: « Khắc kỷ phục lễ vi nhân » vậy. Học-giả lấy ba điều trên, thì khả dĩ biết được cái danh nghĩa của đạo nhân, lấy một điều sau cùng, thì khả dĩ biết cái phương-pháp về sự dụng lực của đạo nhân. »

Cái nghĩa đạo nhân phức-tạp khó hiểu cho nên mới ví: « Nhân như nước, ái như cái nhuận của nước, thứ như sự lưu-hành của nước. » Đại ý, nhân vẫn là một, nhưng hàm cả ái và thứ vậy.

Từ Khổng-tử về sau, các học-giả trong Nho-giáo thường nói đến chữ nhân, nhưng chỉ hiểu mập-mờ là ái hay là thứ, chứ không ai giải rõ cái nghĩa chữ nhân như Trình Minh-đạo và Chu Hối-am, và hiểu được đến chỗ sâu xa của chữ nhân như thế. Mà chữ nhân là cái yếu-điểm của Khổng-học, hễ không đạt được hết các ý nghĩa, thì đạo của thánh-nhân vẫn không được sáng rõ. Hậu-nho cho là họ Trình và họ Chu làm sáng rõ Khổng-học cũng không là lầm vậy,

Sự giáo-hối và tu-dưỡng — Suốt đời Chu Hối-am lấy sự học và sự dạy người làm việc thiết yếu của mình. Ông đi làm quan hết lòng lo việc dân việc nước, nhưng không lúc nào quên nhãng sự học. Khi ông làm chức tri Nam-khang quân, ông thấy ở đất Lư-giang,