Trang:Nho giao 3.pdf/247

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

247
NHO-GIÁO


nhờ được cái thế-lực của khoa-cử mà thịnh hành từ nhà Minh về sau vậy. »

Đó là những lời nghị-luận của người đời xưa và người đời nay đã phê-bình cái học-thuyết của Chu Hối-am. Cái học-thuyết ấy rất tinh-vi, khuôn-phép rất nghiêm-trang, sự khảo-cứu rất kỹ-càng, những điều giải-thích rất tường-tận, làm cho Khổng-giáo từ đó thành ra một tôn-giáo rất tôn-nghiêm. Nhưng cái học ấy chỉ chuyên về một mặt công-truyền, chủ lấy sự tìm cái lý nhất-định của các sự vật ở ngoài, thành ra bỏ nhãng cái học tâm-truyền là cái học « vô ngôn » rất uyên thâm của Khổng-giáo, cho nên cái học của ông có nhiều chỗ không đạt tới cái nghĩa « nhất quán » của Khổng-tử.

Khổng-tử lấy đạo nhân làm cốt, lấy đạo trung-dung làm chừng mực, lấy cách êm-ái hồn-nhiên vô khả vô bất khả mà đối với mọi sự vật, không nhận điều gì là nhất-định, cứ tùy cảm mà ứng, cứ theo thiên-lý mà lưu-hành, đứng vào cái địa-vị nào, cảnh-ngộ nào, cũng an vui, không làm mất cái tư-cách người quân-tử vô nhập nhi bất tự đắc. Cái học ấy của Khổng-tử chỉ có Chu Liêm-khê và Trình Minh-đạo đã tâm đắc mà thôi, còn Trương Hoành-cừ, Trình Y-xuyên và Chu