Trang:Nho giao 3.pdf/248

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

248
NHO-GIÁO


Hối-am thì thường quá thiên về đường qui-thức, quá trọng về đường thượng-lễ và cư-kính, cho nên thành ra câu-chấp, bó-buộc về mặt thủ cựu, lâu ngày ứ-trệ, thật là hại cho sự tiến-hóa.

Cái học của Chu Hối-am sở dĩ thịnh hành, là bởi nó có cái bề ngoài rất tôn-nghiêm và thích hợp với cái tính-cách của dân-tộc Tầu, lúc nào cũng muốn có cái qui-củ nhất-định mà hành động, chứ không muốn thay đổi. Cái tính-cách ấy, có lẽ làm cho đời người được phong-lưu nhàn-hạ, nhưng về đường tiến-hóa, thì thật là kém-cỏi. Bởi thế cho nên khi thiên-hạ đã xoay vần ra như ngày nay, dân-tộc Tàu và những dân-tộc theo văn-hóa Tàu, tuy có cái trình-độ văn-minh rất cao, nhưng về đường thế-lực thì phải chịu phần kém hèn. Đó là một cái vấn-đề các học-giả nên lưu-tâm nghiên-cứu, để tìm phương mà bồi bổ lại, khiến cho tương-lai, ta vẫn giữ được cái tinh-thần của ta, mà ta lại có đủ thế-lực để sinh-tồn với người. Ấy là một cái vấn-đề rất khẩn-yếu mà hiện nay ta chưa giải-quyết được vậy.