Trang:Nho giao 3.pdf/261

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

261
NHO-GIÁO


và nhân-dục làm gì. Động đã là không phải, thì tĩnh cũng không phải, há lại có động tĩnh gián-cách ra hay sao? Kinh Thư có nói: « Nhân tâm duy nguy, đạo tâm duy vi » rồi có nhiều người giải thích: Nhân tâm là nhân-dục, đạo-tâm là thiên-lý. Ông cho nói như thế là không phải. « Tâm có một, người ta sao lại có hai tâm? Tự người mà nói là duy nguy, tự đạo mà nói là duy vi. Vọng niệm là cuồng, khắc niệm là thánh, lại không phải là nguy hay sao? Vô thanh, vô khứu, vô hình, vô thể, lại không phải là vi hay sao? » Đó chẳng qua là cổ-nhân theo từng phương-diện mà nói, chứ tâm thì chỉ có một mà thôi.

Tâm là cái thực, làm chủ-tể cả vũ-trụ và vạn vật. Ngoài cái tâm ra, dẫu có vạn vật, vạn sự, cũng như không vậy.

Khí chất. — Về đường đạo-lý, thì Lục Tượng-sơn lấy tâm làm cái lẽ duy-nhất, chủ-tể cả mọi sự vật, nhưng về đường sinh hóa của trời đất, thì ông cho là có khí-chất. Có khí-chất thì mới có hình, mà những cái có hình là cái khí-cụ; còn sự sinh-hoạt, hành-động của những khí-cụ ấy là do ở cái lý. Bởi vậy ông nói rằng: « Tự hình-nhi-thượng giả ngôn chi, vị chi đạo; tự hình-nhi-hạ giả ngôn chi, vị chi khí. Thiên địa diệc thị khí, kỳ sinh phú hình tái tất hữu lý 自 形 而 上 者