Trang:Nho giao 3.pdf/278

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

278
NHO-GIÁO


lý ở trong vũ-trụ; ông lại tự mình thí-nghiệm cái học ấy ở trong việc chính-trị, thành được cái hiệu-quả rất hay. Chỉ tiếc vì đời bấy giờ sùng-thượng cái học của Trình Y-xuyên và Chu Hối-am, cho nên cái học của ông chỉ được một thời rồi về sau không thịnh-hành được.

Lục Tượng-sơn thường nói rằng: « Nay những học-giả trong thiên-hạ chỉ có hai con đường, một đường là vụ lấy sự phác-thực, một đường là vụ lấy sự nghị-luận. » Đường phác-thực thì chỉ cốt thu-thập tinh-thần, hàm-dưỡng đức-tính, để giữ vững cái căn-bản là cái tâm. Cái học ấy quan-thiết đến sự thực-tiễn, chứ không hệ lụy về đường ngôn ngữ văn tự. Đường nghị-luận thì trái lại, chỉ vụ lấy văn tự mà bàn những điều không-ngôn không quan-thiết đến thực lý.

Cái học phác-thực là cái học của Lục Tượng-sơn; cái học nghị-luận là cái học của Chu Hối-am. Một bên học để cầu lấy biết mà làm, một bên học để cầu lấy biết mà nói. Biết mà làm là rất khó, phải có cái chí rất bền mới thực hành được những điều mình đã học; biết mà nói thì chỉ cần có trí thuật là đủ, nhưng thường là chỉ có hư mà không có thực. Bởi thế cho nên cái kết-quả sự học nghị-luận của Chu Hối-am về sau thành ra cái học hư-văn, rất hại cho sự tiến-hóa.