Trang:Nho giao 3.pdf/279

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

279
NHO-GIÁO


Dẫu thế nào mặc lòng, nếu học-giả biết theo như lời Chu Hối-am, kiêm được cả cái sở-trường của hai bên, thì có lẽ sự học của Nho-giáo không đến nỗi dở. Song người đời phần nhiều đi học là chỉ vụ lấy sự danh lợi, mà cái học nghị-luận lại là cái học thế-thượng, trên có nhà vua bảo-hộ, dưới thích-hợp với lối học trường ốc, cho nên các học-giả đều khuynh-hướng về cái học ấy. Chỉ trừ những bậc có thiên-tư dĩnh-ngộ, thấy rõ đạo-lý, mới quyết chí về đường tu-dưỡng, còn ngoại giả là chỉ đua theo thói đời, mượn tiếng thánh hiền, để đi cho tới đường lợi lộc. Bởi vậy cái danh thì có, mà cái thực thì không.

Lối tâm-học của Lục Tượng-sơn thì có thể gây được cái thực học, không cần phải chi-li như cái học khác và không có câu-thúc từng tí một, nhưng đại-để là phải người rất thông-minh, hoặc là người đã học nhiều rồi, mới hiểu tới chỗ uyên thâm. Xem như học-trò của Tượng-sơn, phần nhiều là những người đã đỗ tiến-sĩ cả rồi, đến nghe Tượng-sơn nói, mới biết cái học ấy là phải. Cũng vì thế mà lối tâm-học của Tượng-sơn khó thịnh-hành được. Tuy nhiên, cái học ấy vốn có căn-bản rất tốt, cho nên những người chân thực học đạo đều phải kính phục. Bởi có cái học ấy mới gây thành cái học của Vương Dương-minh đời nhà Minh vậy.