Trang:Nho giao 3.pdf/37

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

37
NHO-GIÁO


vương bắt-chước. Trời mà lập đạo, cũng phổ-ái mà không thiên-tư. Mùa xuân là mùa sinh muôn vật của Trời, lòng nhân là lòng yêu muôn vật của vua; mùa hạ là mùa trưởng-thành muôn vật của Trời, đức là nuôi muôn vật của vua; sương lạnh là Trời dùng để túc-sái muôn vật, hình phạt là vua dùng để trừng-phạt muôn dân. Xem thế thì cái trưng-triệu của Trời và người là cái đạo của cổ kim vậy. Lệnh Trời gọi là mệnh, mệnh không phải thánh-nhân thì không thi-hành được; chất-phác gọi là tính, tính không phải có giáo hóa thì không nên; nhân-dục gọi là tính, tình không có chế-độ, không tiết-chế được. Cho nên đấng vương-giả nên cẩn-thận noi ý Trời để thuận mệnh, dưới chăm dạy dân để nên tính hay; chính cái thích-nghi của pháp-độ, biệt cái thứ-tự của trên dưới để phòng nhân-dục. Sửa được ba điều ấy thì cái đại bản cất lên vậy. Người chịu mệnh của Trời vốn siêu-nhiên hơn các loài sinh, cho nên Khổng-tử nói rằng: « Tính của trời đất, người quí hơn cả ». Người có hiểu rõ thiên-tính, biết tự mình là quí hơn muôn vật rồi mới biết nhân nghĩa, biết nhân nghĩa rồi mới biết trọng lễ tiết, trọng lễ tiết rồi mới ăn-ở theo điều thiện, ăn-ở theo điều thiện rồi mới vui theo lễ nhạc, vui theo lễ nhạc rồi mới gọi được là quân-tử.