Trang:Nho giao 3.pdf/54

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

54
NHO-GIÁO


người, không ở sự yêu thân ta; cái khuôn phép của chữ nghĩa là ở sự chính thân ta, không ở sự chính người. Đối với thân ta mà ta không tự chính, thì dẫu có chính được người cũng không cho là nghĩa; đối với người mà người không được nhờ cái ơn, thì dẫu ta tự ái rất hậu, cũng không cho là nhân » (Nhân-nghĩa, XXIX).

Cái thuyết của Đổng trọng Thư tuy có căn-cứ và phương-pháp, nhưng cái nghĩa chữ nhân hẹp lại, không được rộng-rãi như cái nghĩa của Khổng-tử và Mạnh-tử đã dùng. Vả lại, phàm những ý nghĩa của các văn-từ thường hay thay đổi tùy cách lập ngôn và cách định nghĩa của thánh hiền. Nếu ta cứ lấy cái nghĩa thái-cổ mà nói rằng về sau thánh hiền đều dùng như thế cả, thì e không đạt được cái học của thánh hiền. Khổng-tử nói rằng: « Từ đạt nhi dĩ hĩ 辭 達 而 已 矣: Lời nói cốt được rõ cái ý thì thôi » (Luận-ngữ, Vệ Linh-công, XV). Câu ấy chính là cái ý của Ngài không muốn người ta nệ về văn-từ mà bỏ mất nghĩa lý. Thiết tưởng đây là một điều sở kiến của Đổng trọng Thư mà thôi, chứ vị tất đã đúng cái nghĩa của thánh hiền.

Nghĩa và lợi. — Đổng trọng Thư cho Trời sinh ra người, đã phú cho cái tính, tuy chưa là thiện, nhưng đã có cái mối ưa điều