Trang:Nho giao 3.pdf/58

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

58
NHO-GIÁO


dân không thể biết được và hay làm trái lại, bỏ quên cái ý mà đắm-đuối ở cái tà, để hại thân, hại nhà. Như thế nếu không phải là những người ấy tự tính toán cho mình không hết lòng, thì là cái biết của họ không sáng rõ vậy. Nay cầm một nắm quả táo và một nắm vàng đưa cho đứa trẻ con, thì nó lấy táo mà không lấy vàng; hay là cầm một cân vàng với viên ngọc châu đáng giá nghìn vạn đưa cho một người quê mùa, thì người ấy lấy cân vàng mà không lấy viên ngọc. Cho nên vật đối với người, nhỏ thì dễ biết, lớn thì khó thấy. Cũng như lợi đối với người thì nhỏ, nghĩa đối với người thì lớn. Vậy thì không nên lấy làm lạ, khi người thường dân xu-hướng về lợi mà không xu-hướng về nghĩa, bởi cái mờ tối vậy. Việc của thánh-nhân là làm sáng cái nghĩa để soi rõ chỗ mờ tối của người ta, cho nên dân không hãm vào chỗ không hay » (Thân chi dưỡng trọng ư nghĩa, XXXI).

Thánh-nhân là người sáng-suốt, biết rõ việc nghĩa việc lợi, dạy bảo nhân-chúng, khiến cho mọi người đều được yên vui mà sinh-hoạt ở đời. Những bậc ấy cầm quyền chính-trị theo nghĩa mà định ra chế-độ, làm cho trên dưới phân-minh, giàu nghèo có trật-tự, trên không tàn-bạo, dưới không lo buồn. Đó là việc trọng-yếu trong việc trị.