Trang:Nho giao 3.pdf/91

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

91
NHO-GIÁO


rất lấy làm lo về việc ấy. Vương Sung lấy cây cỏ bồng và tơ lụa làm thí-dụ. Ông nói rằng: Cái tính của cây cỏ bồng thì không thẳng, cái tính của tơ lụa thì không đen, thế mà cỏ bồng mọc ở giữa đám cây đay, không có gì chống đỡ mà cũng thẳng; lụa trắng ngâm vào thuốc đen, không nhuộm kỹ mà cũng đen, là bởi theo cây đay thẳng và nhiễm màu đen vậy. « Phù nhân chi tính do bồng sa giã, tại sở tiêm nhiễm nhi thiện ác biến hỹ 夫 人 之 性 猶 蓬 紗 也,在 所 漸 染 而 善 惡 變 矣: Cái tính của người ta cũng như cây cỏ bồng và tơ lụa vậy, ở sự tiêm-nhiễm mà thiện ác biến đổi đi vậy » (Suất-tính, II).

Cái tính người ta tuy thiện ác khác nhau, nhưng có thể lấy sự giáo-hóa mà làm cho đã thiện lại thiện thêm, hoặc làm cho ác lại hóa ra thiện được. Ví như đất tốt thì làm cho tốt thêm, hoặc đất xấu làm cho thành tốt được. Vậy nên mới cần có sự giáo-hóa của thánh hiền để nuôi cái tính thiện và sửa cái tính ác.

Đối với sự bàn về tính của người ta, có lẽ Vương Sung nói phải hơn và đúng với nghĩa câu Khổng-tử đã nói; « Tính tương cận giã, tập tương viễn giã ».