Trang:Nho giao 3.pdf/98

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

98
NHO-GIÁO


để mưu cái quyền-lợi riêng của mình. Trong khi ấy ai là người có thao-thủ, giữ danh-tiết, đều bị chém giết rất tàn-hại, thành ra lòng người ngơ-ngác, không biết theo về phương hướng nào.

Đến khi Tào Tháo cầm-quyền ở đất trung-nguyên, chuyên dùng những kẻ hào-hiệp, ngang-ngược, thậm chí đến những người bất-nhân bất-hiếu, những kẻ ô-danh ác-hạnh, mà có thuật trị nước dùng binh, thì cũng tái tam xuống lệnh đón rước. Thành thử phong-tục bại-hoại, nhân tâm biến đổi.

Cố Viêm-Võ 顧 炎 武 đời nhà Thanh bàn chuyện đời Hán nói rằng: « Vua Quang-võ, Minh-đế, Chương-đế, mấy đời dùng cái trị của kinh-thuật và sự phòng giữ của tiết nghĩa mà vẫn không đủ, một mình Tào Mạnh-đức biến làm cái tục hủy phong bại thường mà có thừa ». Thế mới biết gây nên sự hay rất khó, mà làm sự phá-hoại rất dễ vậy.

Những điều ấy chứng rõ ở trong sử. Khi vua Võ-đế nhà Tấn mới lên ngôi, quan Tán-kỵ thường-thị là Phó Nguyên 傅 元 dâng sớ nói rằng: « Tôi nghe đấng tiên-vương trị thiên-hạ, giáo-hóa hưng-thịnh ở trên, thanh-nghị thi-hành ra ở dưới. Vừa rồi vua Ngụy Võ chuộng pháp thuật, mà thiên-hạ quí hình danh, vua Ngụy Văn quí những người thông