Trang:Nho giao Phu luc.pdf/23

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

25
PHỤ-LỤC


mình mà cử lấy người ra giữ ngôi quân, thường là chỉ bị những nhà có thế-lực chiếm lấy. Khi những nhà đã chiếm được cái ngôi cao ấy, xưng là đế là vương, và giữ lấy ngôi cao ấy làm của riêng mình, bắt thần-dân phải phục-tùng mình.

Khổng-giáo phát minh ra trong thời-đại chỉ biết có đế có vương cho nên cũng nhận những bậc ấy làm quân, và dạy những bậc ấy phải làm chức-vụ của mình, nghĩa là phải bảo-dân. Khổng-giáo cho cái quân-quyền là cái thần-khí, làm chủ sự trị-loạn của nhân-dân, cho nên mới nói trung-quân chứ không nói trung-vương hay trung-đế, vì khi mà bậc vương bậc đế nào, đã lạm-dụng cái quân-quyền mà chuyên-chế quá độ, thì người nào được lòng dân thì được phép trừ bỏ bậc vương bậc đế ấy đi. Bởi vậy cho nên Mạnh-tử nói rằng: «chỉ nghe nói giết một đứa Trụ, chứ không nghe nói giết vua bao giờ». Về sau ta theo lối chuyên-chế mà hiểu cái nghĩa trung-quân hẹp đi cho nên mới nói trung-quân là trung với nhà làm vua. Song Khổng-giáo có dạy rằng: «Người trung-thần là người tòng đạo bất tòng quân » chính là để chữa cái nghĩa hẹp của quân vậy.

Đã nói quân-quyền tức là chủ quyền, cho nên những dân-tộc bị bọn đế vương áp-chế thái-quá mới nổi lên trừ bỏ bọn ấy mà giữ lấy cái quân quyền. Cũng vì thế cho nên khi dân nước Pháp dựng lên cuộc Cách-mệnh bèn