Trang:Nho giao Phu luc.pdf/39

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

41
PHỤ-LỤC


đến đâu cũng phải bỏ. Bởi vì theo cái tôn-chỉ Nho-Giáo, thì người làm chủ thiên-hạ là phải có hiếu có nghĩa mới được; chứ đã tham danh tham lợi mà bất hiếu bất nghĩa, thì sao cho xứng-đáng. Vậy nên Mạnh-tử nói ở chỗ khác rằng: «Ngô vị văn uổng kỷ nhi chính nhân giả giã, huống nhục kỷ dĩ chính thiên-hạ giả hồ? Thánh-nhân chi hạnh bất đồng giã, hoặc viễn, hoặc cận, hoặc khứ, hoặc bất khứ, quy khiết kỳ thân nhi dĩ hỹ », chính là cái nghĩa ấy vậy.

Phan tiên-sinh lại bẻ rằng: «Trốn thì trốn đi đâu mà Cao-Dao không bắt được». Ý của Mạnh-tử là nói cái lẽ đương-nhiên phải như thế, còn trốn được hay không là việc khác. Nếu trốn không được thì đành chịu phải bắt với cha, ấy là trọn cái nghĩa của mình rồi. Thánh-nhân chỉ dạy người ta làm việc nghĩa mà thôi, sự thành bại là ở cái mệnh, được thế nào hay thế, miễn là ta làm được việc nghĩa là được. Vả chăng là câu truyện giả-thiết đặt ra như thế để dạy người ta về đường đạo-lý nên làm thế nào, mà chương vấn đáp của Đào-Ứng và Mạnh-tử là một chương có nghĩa-lý lắm, ta nên suy nghĩ cho chín để hiểu cho hết lẽ. Thế mà Phan tiên-sinh lại nói nên bỏ đi, thì thật tôi không biết cái học của tiên-sinh thế nào, mà có những ý-kiến lạ như vậy.