Trang:Nho giao Phu luc.pdf/55

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

57
PHỤ-LỤC


tư tâm tư dục làm ám-muội mất cái lý ấy đi, thì biết được thế nào là vừa phải, thế nào là không vừa phải. Như thế là nói trung-dung ai cũng có thể biết được và có thể làm được. Song lúc nào cũng theo được trung-dung không lúc nào bỏ quên cái công-lý, không lúc nào để cái tư tâm, tư ý làm ám-muội mất cái sáng-suốt của mình, thì thật là khó, dẫu đến bậc thánh-nhân cũng không làm đến cực-điểm vậy. Bởi vậy Khổng-tử mới đem cái khó ấy mà nói cho người ta biết, để đừng tưởng trung-dung là dễ. Ta đã biết nó là hay, mà nó lại khó như thế, ta muốn theo, thì phải cố-gắng, cố-gắng một không được thì phải cố-gắng mười, mười không được phải trăm, phải ngàn cho đến được mới thôi. Đã được rồi, tất là thành người quân-tử tôn-quí. Như thế là khó lắm, vì phi bậc thánh-nhân đã dễ mấy ai bỏ hết được cái tư tâm tư dục; mà khi đã có cái lòng tư ấy thì làm thế nào cho khỏi thiên-lệch được. Song kẻ học-giả đã biết trung-dung là khó mà muốn học theo đạo thánh-hiền thì phải cố hết sức để cho tới mục-đích, cái mục-đích giáo-dục là ở sự cố-gắng, không có cố-gắng là không có giáo-dục. Khổng-tử hiểu như thế, cho nên Ngài dạy người ta theo đạo trung-dung mà Ngài vẫn nói trung-dung là khó.