Trang:Nho giao Phu luc.pdf/7

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

9
PHỤ-LỤC


khi bàn đến Tống-nho tôi sẽ xin bàn rõ thêm — Nhưng thiết tưởng rằng đại-phàm cái tư-tưởng, cái học-vấn, cũng như vạn vật trong vũ-trụ, phải theo thời mà biến-hóa thì mới sinh-tồn được, miễn là cái tinh-thần lúc nào cũng linh-hoạt không đến nỗi như một thứ gỗ mục thì thôi. Khổng-giáo vốn là cái đạo theo thiên-lý mà lưu-hành, mà sinh-sinh, tất là không nên giữ mãi một mực như lúc đầu. Bởi vậy, ngay từ đời Chiến-quốc, cách Khổng-tử độ hơn một trăm năm, mà cái học của Mạnh-tử đã có nhiều điều không giống cái học của Khổng-tử rồi, huống chi đến đời Tống cách Khổng-tử hàng ngàn rưởi năm, sự sinh-hoạt, cách tư-tưởng đều khác với đời thượng-cổ. Vậy theo cái lý đương-nhiên thì tất là Nho-giáo đời Tống không giống Nho-giáo đời Xuân-thu. Và trong khi các tôn-giáo như Lão-giáo và Phật-giáo cũng thịnh-hành lên, dẫu các nhà nho-học muốn giữ cái đạo họ Khổng cho tinh-thuần thế nào mặc lòng, cũng không sao mà tránh khỏi được cái thế-lực của những tôn-giáo kia. Vậy nên khi ta xét đến cái học-thuyết trong một thời-đại, ta phải biết cái thêm cái bớt để cho rõ cái chân-tướng thời-đại ấy — Nếu lấy cái cớ rằng Tống-nho có chịu cái ảnh-hưởng của Lão-giáo và Phật-giáo mà nói rằng Tống-nho không phải là Khổng-giáo, thì tôi e rằng sự học-vấn không được đúng.