Trang:Nho giao Phu luc.pdf/8

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

10
NHO-GIÁO


Còn như nói rằng Khổng-tử chỉ nói có Thái-cực, chứ không nói đến Vô-cực, thì quả thực như vậy. Cái tôn-chỉ của Khổng-giáo là chỉ nói cái động-thể, không nói cái tĩnh-thể của vũ-trụ. Song biết đâu Khổng-tử đã đi học Lão-tử lại không nghĩ đến Vô-cực? Vì trước khi có cái có, tất phải có cái không. Có lẽ bởi cái ý ấy cho nên Chu Liêm-Khê khi làm ra Thái-cực-đồ đem chữ Vô-cực để lên trên chữ Thái-cực, tưởng đó cũng là một cách hiểu rõ cái đạo họ Khổng vậy. Giả sử ta cứ theo phần hình-nhi-hạ mà suy, thì có thể nói hai chữ Vô-cực ấy không phải là đạo của họ Khổng, nhưng theo phần hình-nhi-thượng mà nói cái ý vô-cực thì cũng không phải là sai. Tuy nhiên, lời Phan quân cũng đúng như lời Lục Tượng-sơn đã bác cái thuyết vô-cực của Chu Liêm-khê. Có một điều nên biết là Tống-nho tuy có nhiều điều sai lầm, nhưng cái học-thuyết của Tống-nho có phần cao và sâu hơn của bọn Hán-nho và Đường-nho, là vì Tống-nho đạt tới cái học hình-nhi-thượng của Khổng-giáo. Vậy nói rằng Tống-nho không phải là Khổng-giáo thì tôi sợ là xét không đến.

Phan tiên-sinh nói rằng cái chân-lý của vũ-trụ như cái chén bạc chưa mở. Bởi vì tạo-hóa huyền-bí khó biết, cho nên từ xưa đến nay bao nhiêu nhà học-giả tìm không ra mối,