Trang:Nho giao Phu luc.pdf/9

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

11
PHỤ-LỤC


thành-thử mỗi người đoán ra một cách. Điều ấy đã dĩ nhiên rồi, ai chẳng biết! Nhưng có phải là vì sự cố gắng mà tìm-tòi cái huyền-bí ấy của nhân-loại mà làm cho cái phẩm-giá của người ta cao lên, và cái học-thức của người ta rộng ra không? Cái lối của bọn hủ-nho là chỉ bo-bo ở chỗ thiển-cận trước mắt, chứ không bao giờ đem cái tư-tưởng lên cao được một chút, rồi cho là những việc siêu-việt không sao biết được. Bởi vậy cho nên cái nho-học của mình mỗi ngày một thấp xuống. Ngày nay ta đã trông thấy cái lưu-tệ ấy rồi, lẽ nào ta lại cứ cái lối hủ-bại ấy mà học hay sao?

2. — Phan tiên-sinh lại nói rằng ta nên đem so-sánh Khổng-học với tây-học, nhưng không nên nói cái này tức là cái kia v. v. Bản ý của tôi là đem Khổng-giáo so-sánh với các học-thuyết bên tây cũng là theo cái ý-kiến ấy. Vả lại tôi cũng chỉ nói qua cái đại-lược, xét một vài điều tương-tự như nhau mà thôi, để độc-giả biết cái sở đồng sở dị, chứ không bao giờ tôi nói cái học-thuyết ấy tức là cái học-thuyết nọ. Điều ấy có lẽ Phan quân phán đoán hơi vội-vàng cho nên mới nói thế. Huống chi cổ-nhân có chữ: « Đông hải hữu thánh-nhân xuất yên, thứ tâm đồng giã, thử lý đồng giã. Tây hải hữu thánh-nhân xuất yên, thử tâm đồng giã, thử lý đồng giã ». Vậy biết đâu lại không có chỗ đúng.