Trang:Phật Lục - Trần Trọng Kim.pdf/103

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 85 —

(Ấn-độ), mũi cao, tóc quăn, râu quai nón, tục gọi là đức Tổ-tây hay là Tổ Đạt-ma.

Chính pháp-danh của Ngài là Bồ-đề-đạt-ma 菩 提 達 磨 (Bodhidharma), người dòng-dõi phái quí-tộc ở phía nam Ấn-độ, xuất-gia tu hành đạo Phật và chuyên học về môn Thiền-na (Dhyana). Năm Phổ-thông nguyên-niên (520) đời vua Võ-đế nhà Lương, ngài đi đường biển sang Quảng-châu. Vua Lương Võ-đế mời ngài vào kinh-đô ở Kiến-nghiệp tức là thành Nam-kinh bây giờ. Ngài vào yết-kiến vua Võ-đế, nhưng thấy vua không hiểu đến chỗ mầu-nhiệm của đạo Phật, Ngài bèn qua sông Dương-tử, sang nước Bắc-Ngụy, trụ ở chùa Thiếu-lâm, tu pháp tham-thiền, suốt ngày ngồi nhìn vào vách, tục gọi là ông thầy tu xem vách.

Tương truyền rằng Bồ-đề-đạt-ma là tổ thứ 28 của phái Thiền-tôn bên Ấn-độ, sang Tàu làm sơ tổ ở cõi Đông-thổ truyền đạo pháp và áo cà-sa cho đệ-tử là Tuệ-khả 慧 可 làm đệ nhị tổ. Ngài tịch vào ngày rằm tháng mười năm Đại-thông thứ hai (530) đời vua Võ-đế nhà Lương.

c) Ban thờ Chư-vị — Đáng lẽ ở nhà tăng-đường chỉ thờ vị Thánh-tăng và chư tổ đã tu ở chùa mà thôi, song thường thấy ở gian giữa nhà ấy có ban thờ Phật, gian bên tả có ban thờ Chư-vị và gian bên hữu có ban thờ các tổ.

Chư-vị là nói chung các vị thần thánh của phái đồng-bóng, tại khái như tứ phủ, là Thiên-phủ, Địa-phủ, Thủy-phủ và Nhạc-phủ, cùng các Thánh-mẫu, các Đức-ông, các quan-lớn, vân vân.. Phái Chư-vị không có quan-hệ gì đến đạo Phật, nhưng vì sự mê-tín của dân-gian thường tin là các vị thần thánh ấy hay can-thiệp đến việc họa phúc của người đời, cho nên có nhiều người, nhất là đàn-bà, con gái hay theo về phái ấy và rất sùng sự thờ-phụng Chư-vị. Bởi vậy nhà chùa muốn có nhiều người đến lễ bái, mới lập ra ban thờ Chư-vị, để các con-công đệ-tử đến dâng bát hương, hoặc là ngày rằm, ngày mồng-một, sau khi lễ Phật rồi, ra ngồi đồng, ngồi bóng. Cũng vì thế, cho nên có chùa phải làm ra điện riêng bên cạnh để thờ Chư-vị.

Cách thờ-phụng như thế thật là hỗn-tạp[1], không đúng


  1. Hỗn-tạp: Lẫn lộn.