Trang:Phật Lục - Trần Trọng Kim.pdf/17

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 15 —

cứ thế mà dứt cho đến duyên Thức, duyên Hành và duyên Vô-minh, thì được giải-thoát ra ngoài luân-hồi.

Sự giải-thoát ra ngoài luân-hồi, không có sinh tử nữa, là cái mục đích lớn của đạo Phật. Muốn tới cái mục-đích ấy, thì phải theo tám con đường chính, gọi là Bát chính đạo 八 正 道: Chính kiến 正 見 là theo con đường ngay chính mà trông nghe; Chính tư-duy 正 思 惟 là theo con đường ngay chính mà suy nghĩ; Chính ngữ 正 語 là theo con đường ngay chính mà nói; Chính nghiệp 正 業 là theo con đường ngay chính mà làm; Chính mệnh 正 命 là theo con đường ngay chính mà sống; Chính tinh-tiến 正 精 進 là theo con đường ngay chính mà cố-gắng. Chính niệm 正 念 là theo con đường ngay chính mà tưởng nhớ. Chính định 正 定 là theo con đường ngay chính mà thu-liệm tâm thần vào đạo-lý.

Ấy lúc đầu đạo Phật chỉ cốt lấy bấy nhiêu điều mà dạy người. Về sau đạo-lý mở rộng ra, mới lập thành nhiều thuyết khác nhau, nhưng đại ý vẫn phải lấy những điều ấy làm trọng yếu.

Khi đức Thích-ca đã đắc đạo rồi, Ngài còn ngồi ở dưới cây ba-la bảy ngày, nghĩ bụng rằng: « Ta nay đã thành chính-quả, bản nguyện đã được viên-mãn. Nhưng cái đạo-pháp của ta rất mầu-nhiệm khó hiểu, chỉ có Phật với Phật mới biết được. Còn hết thảy chúng sinh ở trong đời ngũ-trọc[1] này, vì tham-dục[2], sân-khuể[3], ngu-si, tà-kiến[4], kiêu-mãn[5] che lấp, làm thế nào mà hiểu được cái đạo-pháp của ta. Nếu ta đem đạo-pháp ấy mà truyền ra, chúng sinh tất mê-hoặc, không tin theo và lại buông lời phỉ-báng[6], thành ra phải


  1. Ngũ-trọc: Năm cái dơ đục là: kiếp-trọc, kiến-trọc, phiền-não-trọc, chúng-sinh-trọc và mệnh-trọc.
  2. Tham-dục: Tham muốn.
  3. Sân-khuể: Tức giận.
  4. Tà-kiến: Tư-tưởng không ngay chính.
  5. Kiêu-mãn: Kiêu-ngạo tự-đắc.
  6. Phỉ-báng: Báng-bổ.