Trang:Phật Lục - Trần Trọng Kim.pdf/54

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 48 —

cho ta cái hiệu là Quan-thế-âm ». Như thế là Ngài được lấy cái danh-hiệu của bản-sư làm danh-hiệu của mình vậy.

Người đời thường gọi tắt là Quan-âm có người cho là về đời nhà Đường bên Tàu, người trong nước kiêng chữ thế 世, là tên vua Thái-tôn, cho nên mới bỏ chữ ấy đi, rồi sau thành quen.

Quan-thế-âm Bồ-tát còn có hiệu là Quan-tự-tại Bồ-tát 觀 自 在 菩 薩, lấy nghĩa chữ quan 觀 là khảo xét khắp trong thế-giới, và chữ tự tại 自 在, là bao giờ cũng tự kỷ thường tại để trừ sự khổ, ban sự vui cho chúng sinh. Quan-thế-âm Bồ-tát hay Quan-tự-tại Bồ-tát đều do nghĩa chữ phạm là Avalokitésvara Bodhisattva mà dịch ra. Tiếng phạm còn gọi Quan-thế-âm là Padmapâni, dịch nghĩa ra là Liên-hoa-thủ 蓮 花 手.

Bởi vì đức Quan-thế-âm có phép thần-thông quảng đại, thường hay biến hiện ra nhiều sắc-tướng để trừ sự khổ-não, cho nên trong kinh nhà Phật có nơi nói có sáu vị Quan-thế-âm, có nơi nói có bảy vị Quan-thế-âm, lại có nơi nói có ba-mươi-ba vị Quan-thế-âm. Nhưng thường thì chỉ xưng-hô một tiếng Quan-thế-âm, tức là gồm hết cả các vị Quan-thế-âm khác.

Trong các danh-hiệu và sắc-tướng của đức Quan-thế-âm, ta nên biết mấy danh-hiệu sau này:

1.— Quan-âm vô-úy 觀 音 無 畏. Danh-hiệu này là do ở phẩm Phổ-môn trong kinh Pháp-hoa nói rằng: « Quan-thế-âm Đại Bồ-tát thường dùng phép bố-thí vô-úy để cứu chúng sinh trong cơn cấp-nạn sợ-hãi.

2.— Nam-hải viên-thông giáo-chủ đại-từ đại-bi, tầm thanh cứu khổ linh-cảm Quan-thế-âm Bồ-tát 南 海 圓 通 教 主,大 慈 大 悲,尋 聲 救 苦,靈 感 觀 世 音 菩 薩. Nghĩa là đức Quan-thế-âm làm giáo-chủ đạo viên-thông ở miền Nam-hải, thường tìm tiếng kêu mà cứu khổ, rất cảm-ứng và rất thiêng-liêng. Bởi vì ngài tuy đã gần thành Phật, nhưng vì lòng thương-xót chúng sinh, muốn ở miền thế-gian để cứu khổ cứu nạn. Vậy nên trong kinh nói rằng ngài thường trụ ở miền Nam-hải.