Trang:Phật Lục - Trần Trọng Kim.pdf/6

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Bước tới điều hướng Bước tới tìm kiếm
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

LỜI MỞ ĐẦU


Chữ Phật 佛 là tiếng gọi tắt chữ Phật-đà 佛 陀 dịch theo âm chữ phạm Bouddha. Lấy cái nghĩa chân-đế 眞 諦 là cái nghĩa chân-thực tuyệt-đối[1] mà xét, thì Phật là hoàn-toàn chân-tính, chân-như bất sinh, bất diệt, độc nhất vô nhị ở trong vũ-trụ. Cái chân-tính ấy thường gọi là Pháp-thân[2], tức là phần sáng tỏ thiêng-liêng, vạn vật nhờ đó mà có, rồi chung qui lại quay về đó. Theo cái nghĩa chân-đế ấy thì chỉ có một Phật chứ không có hai, nhưng lấy cái nghĩa tục-đế 俗 諦 là cái nghĩa luân-chuyển tương-đối[3] của sự báo-ứng biến-hóa mà người ta có thể hiểu biết được mà xét, thì Phật là giác-giả 覺 者, tức là cái danh-hiệu để gọi những bậc có trí-tuệ cực minh-triệt[4], cực cao-siêu, hiểu thấu hết thảy mọi sự mọi vật ở trong vũ-trụ. Những bậc ấy đã chứng được cái pháp-thân chân-thực, vượt qua khỏi cuộc luân-hồi biến hóa, và lại đem sự hiểu biết của mình mà tuyên truyền ra để tế-độ chúng sinh, cứu vớt các giống hữu-tình[5] ở chốn hôn-mê, đưa sang bến giác-ngộ yên-lặng.

Theo cái nghĩa « tục-đế » ấy, thì Phật không phải là cái danh-hiệu để gọi riêng một vị nào, nhưng để gọi chung hết thảy những bậc đã tu thành chính quả viên-mãn, không sót chút gì là mờ-đục ngại-trở và không mắc tí nào vào trong sự biến-hóa vô-thường nữa.

Vậy theo « chân-đế », thì ở trong vũ-trụ chỉ có một pháp-thân, mà theo « tục-đế » thì cái Pháp-thân biến hiện ra nhiều


  1. Tuyệt-đối: Cùng tột, không có gì sánh ngang được.
  2. Pháp-thân: Cái thân thuần là lý, không có sắc, không có tướng.
  3. Tương-đối: Sánh ngang cái nọ đối với cái kia.
  4. Minh-triệt: Sáng suốt.
  5. Hữu-tình: Giống sinh vật có cảm-giác.