Trang:Phật Lục - Trần Trọng Kim.pdf/91

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 77 —

Theo cho đúng qui-thức, thì ở trong điện thờ Phật phải bày như thế, mới có ý-nghĩa. Vì rằng chư Phật là bậc đại-giác viên-mãn đã xuất thế-gian rồi, thì ở xa trên cùng. Đức Phật A-di-đà chủ việc cứu-thế ở cõi Cực-lạc và đức Phật Thích-ca mầu-ni chủ việc giáo-hóa ở cõi Sa-bà, thì để chính giữa điện. Các vị Bồ-tát là những bậc có lòng từ-bi bác-ái đem trí-tuệ và chân-lý mà giúp Phật trong việc cứu-độ chúng sinh, thì để hai bên cạnh Phật. Còn những bậc ở trong thế-gian mà có thần-uy thế-lực như các vị Thiên-vương và có sức mạnh rất lớn như các vị Kim-cương, thì để ở ngoài cùng để hộ-trì Phật pháp.

Cách bài trí khác ở các chùa.— Ở các chùa, có nhiều chùa hoặc vì không biết, hoặc vì tùy tiện, hoặc vì lẽ gì ta không rõ, bày các tượng thờ ở trong điện không đúng cái qui-thức đã nói ở trên. Đại khái thì chùa nào cũng có tượng Tam-thế, và tượng đức A-di-đà, nhưng từ lớp thứ ba trở xuống thì có mấy cách khác như sau này:

1.— Một cách là ở lớp thứ ba bỏ ba pho tượng Thích-ca mầu-ni, Văn-thù và Phổ-hiền, mà để tượng đức Di-lặc thay vào.

Tượng Di-lặc ở nước ta thường làm một ông rất béo đẫy, bụng phệ-nệ, ngồi ngửa lưng về đằng sau, miệng cười hớn-hở có vẻ rất sung-sướng, tỏ ý là không có lo buồn điều gì. Bởi vậy tục thường gọi là « ông Vô-lo ». Cũng có chùa làm đủ ba pho tượng Di-lặc tam-tôn: ở giữa là đức Di-lặc, bên tả là tượng Pháp-hoa-lâm Bồ-tát, bên hữu là tượng Đại-diệu-tướng Bồ-tát. Có nhiều người không biết, gọi lầm hai vị Bồ-tát ấy là Quan-thế-âm và Đại-thế-chí.

Cũng có chùa trên để tượng Tuyết-sơn là tượng đức Thích-ca khi tu phép khổ-hạnh ở trong núi Tuyết-sơn, hình-dáng gầy-còm, da bọc lấy xương; dưới để thêm tượng Di-lặc. Người thường thấy tượng Di-lặc béo tốt, chỉ mặc có manh áo lơ-thơ,