Trang:Phật Lục - Trần Trọng Kim.pdf/92

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 78 —

để phơi cả ngực và bụng ra, mà tượng Tuyết-sơn thì lại gầy-còm mà lại có áo che kín, bèn gọi là tượng Di-lặc là « ông nhịn mặc mà ăn » và tượng Tuyết-sơn là « ông nhịn ăn mà mặc ».

2.— Một cách là ở lớp thứ ba để tượng Di-lặc và ở lớp dưới để tượng Thiên-thủ thiên-nhãn Quan-thế-âm, rồi mới đến tượng Cửu-long. Cũng có chùa gọi tượng Thiên-thủ ấy là tượng đức Chuẩn-đề Quan-âm.

3.— Một cách là có nhiều chùa bỏ hai tượng Đại-Phạm-thiên và Đế-Thích, mà bày ra ngoài tượng Cửu-long ba pho: giữa là tượng Ngọc-hoàng, bên tả là tượng thần Nam-tào, bên hữu là tượng thần Bắc-đẩu. Ngọc-hoàng là chủ-tể trên cõi trời, Nam-tào là thần coi việc sinh, Bắc-đẩu là thần coi việc tử. Ba vị thần này thuộc về Đạo-giáo, nhưng không hiểu tại sao lại đem vào thờ với Phật. Có lẽ là về những đời Đường đời Tống bên Tàu, Đạo-giáo rất thịnh-hành, có khi lấn cả Phật-giáo, chư tăng bên Phật-giáo mới đem những vị thần bên Đạo-giáo vào thờ trong chùa, để tỏ ý dung-hòa cả hai tôn-giáo chăng. Có người lại nói rằng đó là chỉ để thờ những vị thần coi việc sinh tử họa phúc ở thế-gian mà thôi, chứ không có ý gì khác cả.

4.— Một cách là bày thêm ở hai bên nách chùa về phía trong cùng, tượng đức Quan-thế-âm và tượng đức Đại-thế-chí, hoặc tượng đức Văn-thù và tượng đức Phổ-hiền. Có khi lại bày một bên là tượng đức Phật-bà Điệu-Thiện, một bên là tượng đức Quan-âm tọa-sơn hay là tượng đức Quan-âm tống-tử, tức là đức Quan-âm Thị-Kính. Cũng có khi cả hai bên bày hai tượng hóa-thân của đức Quan-âm, hoặc tượng đức Di-lặc và tượng đức Địa-tạng.

Đại khái cách bài-trí trong điện thờ Phật ở những chùa xứ Bắc-kỳ là thế. Ít lâu nay có nơi làm chùa mới, chỉ tạc có một pho tượng Phật để thờ ở giữa điện. Như thế, người ta không biết rõ là tượng thờ đức A-di-đà hay là tượng thờ đức Thích-ca mầu-ni, thành ra lại khó hiểu lắm và không đúng cái ý-chỉ của phái Đại-thặng.