Trang:Phật giáo.pdf/113

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

tâm ấy tức là Bồ-tát và Phật. Sinh tử cũng ở nơi tâm ấy, niết-bàn cũng ở nơi tâm ấy.

Tuệ Văn thiền-sư chủ lấy trung-đạo mà luận cái tâm và lập ra thuyết nhất tâm tam quan. Tam quan là: không-quan, giả-quan và trung-quan.

Trong không-quan có giả-quan và trung-quan, không phải tuyệt-nhiên là không. Trong giả-quan có không-quan và trung-quan, không phải tuyệt-nhiên là giả. Trung-quan phải dung-nạp cả không và giả.

Chân-như với tâm và vật quan-hệ với nhau như nước với sóng. Ngoài nước không có sóng, ngoài chân-như không có tâm, ngoài tâm không có vật.

Thiên-thai tông cứ hiện-tại mà tìm chỗ lý-tưởng. Thiện, ác, chân, vọng, đối với tông này chỉ là một sự hoạt-động của thực-tại. Vì thế cho nên không cưỡng cầu giải-thoát ra ngoài hiện-tại-giới, sinh diệt vô-thường. Trong hiện-tượng-giới, gồm cả thiện ác hai tính. Thiện hay ác chỉ do một tâm tác-dụng mà thôi, hai cái, không có cái nào độc tồn. Cho nên Phật không làm lành mà cũng không làm dữ.

Sự giải-thoát phải tìm ở nơi thấu-suốt chân-lý, thoát-ly chấp trược. Kết cục phải triệt-ngộ thực tướng của vũ-trụ. Do vô-vi, vô-niệm đạt tới sự hoạt-động của đại-ngã, đại-vi.

4Hoa-nghiêm tông. — Tông này cũng như Thiên-thai tông phát-khởi ở nước Tàu, căn-cứ ở Hoa-nghiêm kinh và do Đỗ Thuận hòa-thượng và Trí Nghiễm đời Tùy và Đường mà lập ra.

Tông này cho vạn-tượng có sáu tướng là : tổng, biệt, đồng, dị, thành, hoại, gọi là tam đối lục tướng. Vạn vật đều có sáu tướng ấy.

113