Trang:Phật giáo.pdf/115

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

thân thành Phật », cho nên bỏ hết chấp trược mà theo cái hoạt-động của đại-ngã (paramâtman). Phương-thức giải-thoát của tông này là tam mật tức là: thân, khẩu, ý.

6• Thiền-tông. — Tông này từ trước thuộc về Không-bộ bên Tiểu-thặng, cho nên mới xướng lên cái thuyết « bất lập văn-tự ». Thiền-tông không bàn-luận về vũ-trụ, chỉ chủ ở sự cầu được giải-thoát mà thôi.

Vì Thiền-tông đã không lập văn-tự, thì chỉ lấy « tâm truyền tâm » mà thôi. Thực-tướng của vũ-trụ thuộc về phạm-vi trực-giác (intuition). Nếu lấy văn-tự mà giải-thích, thì tất là sa vào hiện-tượng-giới, không thể đạt tới thực-tướng được. Phi tọa-thiền và trực-giác, thì không sao biết được thực-tướng.

7• Tĩnh-thổ tông.— Tĩnh-thổ tông lấy sự qui-y Tĩnh-thổ làm mục-đích và tụng những kinh Vô-lương-thọ, Quan vô-lượng thọA di-dà.

Tĩnh-thổ tông khởi phát từ đời nào không rõ, chỉ thấy trong các kinh-điển nói Mã Minh bồ-tát, Long Thọ bồ-tác và Thế Thân bồ-tát đều khuyên người ta nên tu Tĩnh-thổ. Có lẽ ngay từ lúc đầu, phái Đại-thặng trong Phật-giáo đã có ý-tưởng thần-hóa đức Thích-ca như các vị Phật tối cao trong thần-thoại.

Tĩnh-thổ tông cho rằng mỗi người ai cũng có phật-tính, đều có thể thành Phật được. Vì ở thế-gian là dơ-bẩn, cho nên cầu đến cõi trong-sạch là cõi Tây-phương cực lạc.