Trang:Phật giáo.pdf/20

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

liêng. Đại-lược ngài nói rằng: « Khổ phải nên biết, tập phải nên dứt, diệt phải nên chứng, đạo phải nên tu. Hễ đã biết được khổ, đã đoạn được tập, đã chứng được diệt, đã tu được đạo, thì được tam-diểu tam-bồ-đề. Tri khổ, đoạn tập, chứng diệt, tu đạo, là bốn Thánh-đế. Hễ ai không biết bốn diệu-pháp ấy thì không sao giải-thoát được. Bởi vì bốn Thánh-đế ấy là thực, là chân: khổ là thực có khổ, tập là thực có tập, diệt là thực có diệt, đạo là thực có đạo. »

Bọn Kiều-trần-như nghe lời thuyết pháp ấy đều xa bỏ trần-cấu, được phép nhỡn-tĩnh, bèn qui-y Phật-pháp mà tu đạo, cắt tóc, mặc áo cà-sa, thành năm vị sa-môn (çramanas). Từ đó ở thế-gian có Tam-bảo: Phật là Phật-bảo, tứ Thánh-đế pháp-luân là Pháp-bảo, năm người sa-môn là Tăng-bảo.

Phật cùng năm sa-môn đi thuyết pháp các nơi lấy đạo từ-bi mà độ chúng sinh. Tín-đồ càng ngày càng nhiều, tăng-hội mỗi ngày một thêm. Phật đặt ra qui-tắc, chuẩn-định mọi việc. Lúc ấy lại có các vua-chúa cùng các nhà quí-quyền ngoại hộ, cho nên đạo Phật truyền-bá rất chóng và rất rộng.

Phật không phân đẳng-cấp gì cả, bất cứ sang-hèn giàu-nghèo, ai có lòng mộ đạo là Phật độ hết. Trong những tín-đồ của Phật có chia ra làm hai hạng. Một hạng gọi là tỉ-khưu (Bhikshu) là những người đàn ông xuất gia tu-hành và tỉ-khưu-ni (Bhikshuni) là nhứng người đàn bà xuất gia tu-hành. Tỉ-khưu và tỉ-khưu-ni lập thành ra các tăng-hội. Mỗi tăng-hội có nhà tinh-xá (Vihâra) để tăng hay là ni ở mà tu-hành học đạo. Một hạng là những người đã nghe Phật thuyết pháp, nhưng không xuất gia tu-hành, vẫn ở đời mà có lòng mộ đạo. Hạng này đàn ông gọi là ưu-bà-tắc (Upasaka), đàn bà gọi là ưu-bà-di (Upasaki).

20