Trang:Phật giáo.pdf/21

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

Phật đi thuyết pháp các nơi, khi thì ở Xá-vệ thành (Sâvasthi), khi thì ở Vương-xá thành (Râdjâ-griha), khi thì ở Ba-la-nại (Bénarès). Ngài thành đạo được sáu năm thì về Ca-tỉ-la (Kapilavastu) là quê nhà để độ cho phụ-vương Tĩnh-phạn và các thân thuộc. Về sau thì ngài hay đi lại ở Xá-vệ thành, ở Trúc-viên (Vénouvana) tinh-xá và ở Linh-thứu-sơn (Gridhrakouta). Lệ cứ đến mùa hè là mùa nhiều mưa thì ở một chỗ nào, qua sang mùa nắng-ráo thì lại đi thuyết pháp trong vùng trung lưu sông Hằng-hà (Le Gange). Ngài đi thuyết pháp như thế trong 45 năm. Đến năm ngài đã ngoài 80 tuổi, ngài đi đến chỗ có hai cây sa-la, gần thành Câu-thi-na (Kouçinagara), ngài ở lại đó rồi diệt độ và vào niết-bàn. Phật vào niết-bàn, nhưng Tam-bảo vẫn còn ở đời để độ chúng sinh.

Các đệ tử của Phật đi rải-rác ra khắp mọi nơi để truyền-bá đạo Phật, dần dần đạo ấy lan rộng ra khắp các nước ở Á-đông.

Về sau đạo Phật có nhiều tông nhiều phái, nhưng gồm lại thì có hai tông lớn là Phật-giáo Tiểu-thặng (Hinayâna) và Phật-giáo Đại-thặng (Mahâyâna).

Thặng nghĩa là cỗ xe chở người, ý nói xe chở người ra khỏi luân-hồi. Tiểu-thặng là cỗ xe nhỏ, lấy nghĩa: ai tu đạo thì tự độ lấy mình, và tu bậc thanh-văn, duyên-giác rồi đến bậc La-hán (Arhat) là cùng. Đại-thặng là cỗ xe lớn, lấy nghĩa: người tu đạo không những là để độ mình mà còn độ muôn chúng, và tu đến bậc Bồ-tát (Bodhisattva) và bậc Phật. Trong phái Đại-thặng có các vị Bồ-tát tu-luyện để tự giác giác tha, nghĩa là làm cho mình sáng suốt để làm sáng suốt cho người. Cho nên các vị Bồ-tát đều phát bồ-đề tâm để tế-độ chúng sinh. Đại-thặng và Tiểu-thặng lại có nghĩa phân-biệt trên dưới, hơn kém, trong hai học-phái với nhau.

21