Trang:Phật giáo.pdf/22

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

Đó là nói tóm tắt lịch-sử của Phật-tổ và hai tông-phái lớn trong Phật-giáo, để sau sẽ bàn cho tường tận. Còn như đạo-lý của Phật-giáo thì rộng lắm, không thể nói hết được. Đây ta chỉ nói về mấy điều căn-bản của đạo Phật và xét-xem những điều ấy đem ứng-dụng ra ở đời thì ích-lợi thế nào.

Đạo Phật là đạo cho đời là khổ, và chủ tìm lấy sự giải-thoát khỏi cái khổ. Bởi vậy Phật xướng lên cái thuyết Tứ thánh-đế và Thập-nhị nhân-duyên. Tứ thánh-đế là Khổ thánh-đế, Tập thánh-đế, Diệt thánh-đếĐạo thánh-đế. Khổ là sự hiển-nhiên ai cũng biết là có. Tập là lấy thập-nhị nhân-duyên mà tìm cái căn-do bởi đâu mà kết-tập thành khổ. Diệt là theo lần thập-nhị nhân-duyên mà dứt từ ngọn cho đến cỗi-rễ cái khổ. Đạo là những con đường ta phải đi để giải-thoát được cái khổ. Ấy là những điều rất trọng-yếu trong đạo Phật. Vậy ta thử xét-xem thế nào là khổ, tập, diệt, đạo.

I. Khổ.— Khổ là sinh ra là khổ, có bệnh-tật là khổ, già-yếu là khổ, chết là khổ, không ưa mà hợp là khổ, ưa mà phải xa-lìa là khổ, muốn mà không được là khổ, mất cái vinh-lạc là khổ. Cái khổ ở đời thật là rõ-rệt lắm, không ai nói được là không khổ.

II. Tập.— Tập là tụ-hợp lại và kết-tập mà thành ra. Vậy do những cái gì tụ-hợp lại mà thành ra khổ? Đức Thế-tôn lấy thập-nhị nhân-duyên mà giải cái nghĩa chữ « tập ». Ngài cho là khổ gốc ở « vô-minh ». Vô-minh là cái mơ-màng mờ-tối, nó che lấp cái sáng-tỏ bản-nhiên. Từ vô-minh đến cái già cái chết, tất cả có mười-hai đoạn. Đoạn nọ do cái duyên mà làm quả cho đoạn kia, rồi quả lại do cái duyên mà làm nhân cho đoạn sau, tựa như cái dây xúc-xích chằng-chịt với nhau, cho nên gọi là nhân-duyên.

22