Trang:Phật giáo.pdf/25

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

tối, sấp với ngửa vậy. Sống với chết cứ luân-chuyển thay-đổi nhau. Chết là thể-phách, còn là tinh-anh. Cái tinh-anh lìa bỏ cái xác đã chết, nhưng vẫn lẩn-quẩn ở trong vô-minh, cho nên lại mang cái nghiệp mà lưu-chuyển chìm-nổi ở trong tam-giới và lục-đạo, tức là cứ luân-hồi ở trong thế-gian. Bởi vì đạo Phật gọi thế-gian là gọi gồm cả tam-giới và lục-đạo. Tam giới là Dục-giới, Sắc-giớiVô-sắc-giới; lục-đạo là cõi trời, nhân-gian, tu-la, súc-sinh, ngã-quỉđịa-ngục. Hễ còn luân-hồi là còn cái khổ.

Vậy họp-tập cả mười-hai nhân-duyên lại, nó kết thành cái dây để trói-buộc người ta ở trong bể khổ, cho nên gọi là tập.

III. Diệt.— Diệt là dứt bỏ đi. Ta đã thấy rõ cái căn-nguyên của sự khổ, thấy rõ cái nhân và cái quả của sự khổ, thì ta cứ lần-lượt bỏ hết các nhân-quả ấy. Vậy ta lại lấy thập-nhị nhân-duyên mà tính ngược lên từ số 12 lên đến số một. Ta muốn không có già có chết, thì ta phải dứt bỏ cái nhân nó làm cho ta sinh ra ở thế-gian. Muốn không phải sinh ra ở thế-gian, thì phải dứt bỏ cái nhân « hữu », rồi đến cái nhân « thủ », nhân « ái » v.v. Cứ thế mãi cho đến cái nhân « hành ». Dứt được cái nhân « hành » thì cái « vô-minh » phải mất. Vô-minh đã mất, thì tựa như mặt trời sáng rõ ra, đánh tan cả sương mù, thì ta ra khỏi đám mờ-tối nó làm cho ta lăn-lộn ở chỗ khổ. Ta đã thấy rõ cái sáng, đã ra khỏi vô-minh, thì ta đứng vào chỗ yên-lặng vui-vẻ, như đứng trên tòa sen ở xứ cực-lạc, mà không phải luân-hồi trong cuộc sinh-tử nữa. Ấy là ta được giải-thoát.

Vậy tính theo Tập-đế, từ vô-minh trở xuống đến lão-tử, thì thấy có cái khổ hiển-nhiên, rất là chán-

25