Trang:Phật giáo.pdf/26

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

nản. Nhưng tính theo Diệt-đế, từ lão-tử lên đến vô-minh, tức là dứt được cái căn-nguyên của sự khổ, ra được ngoài luân-hồi, thì thật là sung-sướng. Bởi thế cho nên đạo Phật vốn gốc ở sự thấy rõ cái khổ, cho thế-gian là một bể khổ, ấy là cái quan-niệm rất bi-quan, rất yếm-thế. Đến khi tìm được cái đạo giải-thoát, thì lại thành ra cái quan-niệm rất lạc-quan, rất vui về việc cứu đời. Cũng vì thế mà những bậc đã thành chính-quả, bao giờ cũng có vẻ yên-tĩnh, thư-sướng lắm. Trông ngay các pho tượng, nét mặt thản-nhiên không có vẻ gì là lo-sầu hết cả, thật là cái thái-độ lạc-quan lạ thường.

IV. Đạo. — Đạo là con đường phải theo để được giải-thoát. Bởi vì có theo con đường ấy thì mới phá được cái khổ. Phật vẫn chủ lấy cái trí sáng-tỏ mà phá sự hôn-mê, nhưng một cái sáng-tỏ không vẫn chưa đủ, cần phải có sự lực-hành nữa, thì mới phá nổi những cái nguồn-gốc của sự khổ. Sự lực-hành ấy có tám con đường chính gọi là bát chính đạo, tức là tám con đường để tu cho thành chính-quả. Tám con đường ấy là:

1. CHÍNH KIẾN. Chính kiến là thấy rõ, biết rõ chân-lý, không để cái tà-kiến che lấp sự sáng-suốt của mình, khiến cho sự tin-tưởng của mình không sai-lầm.

2. CHÍNH TƯ-DUY. Chính tư-duy là lập chí theo chân-lý mà suy-nghĩ cho đến chỗ giác-ngộ được đạo chính.

3. CHÍNH NGỮ. Chính ngữ là nói những điều đúng chân-lý, không nói những điều gian-tà, giả-dối.

4. CHÍNH NGHIỆP. Chính nghiệp là làm những việc ngay-chính công-bình, không làm những việc tàn-bạo gian-ác.

26