Trang:Phật giáo.pdf/27

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

5. CHÍNH MỆNH. Chính mệnh là sống theo con đường công-chính, không tham-lam lợi-lộc mà bỏ những điều nhân-nghĩa.

6. CHÍNH TINH-TIẾN. Chính tinh-tiến là cố gắng-gượng học-tập tu-luyện cho tới đến đạo, giữ tâm-trí cho ngay-chính sáng-suốt, đừng để những điều tham, sân, si và những tà-kiến, vọng-tưởng làm cho ta đi lầm đường lạc lối.

7. CHÍNH NIỆM. Chính niệm là đem ý-niệm của mình chú vào đạo-lý chân-chính, không tưởng-nhớ đến những điều bạo-ngược gian-ác.

8. CHÍNH ĐỊNH. Chính định là định cái tâm-trí của mình vào đạo-lý chân-chính, không để cái gì lay-chuyển được. Tức là thu cái tâm-trí vào đạo, không để tán-loạn ra điều khác.

Vậy theo tám con đường chính ấy, là mình tự-trị lấy mình, tự giác-ngộ lấy mình, để đem mình vào niết-bàn.

Đó là mấy điều rất trọng-yếu trong đạo-lý của Phật. Xét trong cái thuyết Thập-nhị nhân-duyên có hai cái nhân-duyên rất hệ-trọng là « hành » và « ái », ta cần phải biết rõ, thì mới hiểu được sự báo-ứng và cái luân-lý của đạo Phật.

« Hành » theo nghĩa phạn-tự « samskara » mà dịch ra. Tiếng ấy có nghĩa là hành-động tạo-tác hay là xếp-đặt, sửa-soạn, kết-cấu. Hễ đả có sự hành-động tạo-tác tất là thành ra có cái nếp, cái vết; rồi cứ theo cái nếp, cái vết ấy mà sinh-hóa mãi. Chữ « hành » của đạo Phật nói rộng ra là bao-quát cả vạn vật trong vũ-trụ. Nhưng đây hãy nói riêng về người cho dễ hiểu. Ta sống đời này đây, nhưng ta đã sống kiếp trước rồi. Do kiếp trước của ta mà ta có kiếp này. Bởi vì theo cái thuyết luân-hồi, thì người ta sống hết kiếp này, lại hóa ra kiếp khác. Mỗi một kiếp của

27