Trang:Phật giáo.pdf/42

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

sự chuyển mê khai ngộ như cái đại mục-đích của đạo Phật nữa. Bởi thế cho nên thiết tưởng ta nên đem cái phần cao-thâm trong lý-thuyết của Phật-giáo mà bàn-luận, trước là cho đúng với cái mục-đích của Hội, sau để cùng nhau ta hiểu rõ cái tông-giáo ta đã tin theo.

Đạo Phật là đạo gồm cả hai phương diện: thế-gian và xuất thế-gian, tức là cái đạo xét rõ thế-gian là thế nào, để mà tìm cách giải-thoát ra ngoài thế-gian. Đạo ấy chủ ở cái thuyết Thập-nhị nhân-duyên, là câu chuyện tôi xin nói hầu các cụ và các giáo-hữu hôm nay, mà ở bài trước tôi đã nói qua cái đại-cương.

Cái thuyết này mà xét cho đến nơi đến chốn, thì cũng có phần khó thật. Nhưng ta có tới chỗ khó, thì ta mới thấy rõ cái hay cái đẹp. Nói đến đây, tôi lại nhớ một câu cách-ngôn của nhà văn-hào nước Pháp nói rằng: « Có cắn vỡ cái xương, thì mới hút được cái tủy ngon ». Cắn vỡ cái xương để hút lấy cái tủy ngon, ấy là một điều tỉ-dụ bảo ta phải chịu khó, phải mất công-phu mới được hưởng cái ngon cái lành. Vậy tôi xin đem một câu chuyện nói về cái lý-thuyết rất khó để hiến các giáo-hữu, và xin các giáo-hữu đem lòng nhẫn-nại mà cố hiểu lấy một điều rất đáng hiểu trong Phật-giáo.

Thưa các giáo-hữu,

Cái đạo của đức Thế-tôn Thích-ca mầu-ni Phật lập ra ở Ấn-độ khi xưa, cốt-yếu ở trong cái thuyết Tứ-thánh-đế (Catvary Arya Satyani) và Thập-nhị nhân-duyên (Dvadasa nidânas). Đó là phần đặc-biệt của đạo Phật, mà Phật-tổ đã khởi xướng lên trước tiên cả. Còn những thuyết bàn về luân-hồi, về nghiệp-báo, đều đã có từ trước khi có đạo Phật.

42