Trang:Phật giáo.pdf/65

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

Vậy gồm cả hai phương-diện khách-quan và chủ-quan, thì ta có thể nói rằng: cái thế-gian ảo-vọng kia sinh ra tư-tưởng, mà tư-tưởng lại tạo-tác ra thế-gian ảo-vọng vậy.

Khách-quan là « pháp », chủ-quan là « ngã »; cả hai đều là một tấm dệt bằng ảo-hình ảo-tượng, không có gì là lâu-bền chắc-chắn cả. Muốn được giải-thoát, muốn làm cho khỏi cái khổ ở thế-gian, thì phải phá tan những ảo-hình ảo-tượng ấy đi để tới đến chỗ chân-thực. Cái phương-pháp để phá những sự ảo-vọng đó, là ta phải lấy trí-tuệ mà hiểu rõ sự ảo-vọng của vạn vật, vì rằng vạn vật mà có là bởi cái tâm ta vọng-nhận là có. Khi cái tâm đã rõ là vạn vật không chân-thực là có, thì vạn vật là cái sở-duyên của tâm tức là phần khách-động, tự biến mất đi; mà rồi đến cái năng-duyên của tâm, tức là phần chủ-động cũng nhân đó mà biến mất. Vậy thế-gian là ảo-tượng, thì bậc hiền-thánh có thể lấy cái trí của mình mà phá đi được; thế-gian là cái yêu-thích ham-muốn, bậc hiền-thánh có thể lấy sức mạnh của mình mà bỏ hết cái vui, cái khổ-não đến cả các cảm-tình, thì hết thảy những sự yêu-thích ham-muốn đều bỏ hết được. Bỏ hết cả mặt khách-quan và mặt chủ-quan thì vào niết-bàn, tức là vào chỗ im-lặng và sáng-suốt.

Đạo Phật sở-dĩ có cái quan-niệm ấy là vì xét thấy cả thế-gian chỉ là một cuộc tương-đối, một sự biến-hóa vô thường, do các duyên-cảnh mà thành ra chứ không có gì là chân-thực. Ngay như người ta đây cũng chẳng có gì là chắc-chắn, là thường định. Thân ta chỉ là sự biến-hóa luôn, cái « ngã-kiến (personnalité) của ta cũng chỉ do ngũ-uẩn (pance skandhas) là năm cái tích-tụ lại mà thành ra. Năm

65