Trang:Phật giáo.pdf/83

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

điều rõ rệt là: có sinh, có lão-tử và có những nỗi đau-khổ, ta chỉ dạy cho biết cái căn-nguyên, cái duyên-do sự làm cho khỏi đau-khổ và trỏ cho con đường đi đến chỗ giải-thoát... Ta không nói sau khi chết rồi, Phật còn nữa hay không, là bởi vì điều ấy không quan-hệ gì đến cái đạo của ta dạy là đưa đến chỗ tiêu-diệt hết tình-dục mà làm cho được yên-vui, đến được niết-bàn ».

Xem như thế thì biết Phật chỉ cốt dạy cho ta biết con đường giải-thoát mà thôi. Hễ ai theo con đường ấy mà giải-thoát được, thì rồi sẽ trông thấy rõ chân-lý ở trước mắt, cần chi phải dạy những điều có thể làm mê-hoặc lòng người.

Nói rằng vào niết-bàn là hết luân-hồi, tức là thôi, không cấu-tạo, hành-động, nghĩa là không có những ý-tưởng của ta thường có về thế-giới và thân ta nữa. Thân ta sở-dĩ có là vì có sự tập-hợp của ngũ-uẩn, vì có sự yêu-thích, khát-vọng và có tình-dục. Những yếu-tố ấy là ô-trọc, là điên-đảo mộng-tưởng, nó làm cho ta cứ mắc vào cái lưới luân-hồi. Hễ ta thấy rõ những yếu-tố ấy, bỏ hết lòng yêu-ghét, tiêu-diệt hết những cái ô-trọc và những điều vọng-hoặc là vào niết-bàn.

Vậy luân-hồi là bị nhân-duyên và nghiệp-chướng trói-buộc, cho nên cứ phải sinh sinh hóa hóa mãi mà phải chịu hết mọi điều phiền-não ở trong bể khổ. Niết-bàn là dứt được dây nhân-duyên và nghiệp-chướng mà sang bến bên kia, được yên-lặng vui-sướng.

Đó là cái quan-niệm của tối-sơ Phật-giáo về luân-hồi và niết-bàn. Cũng vì có cái quan-niệm ấy mà về sau Tiểu-thặng học-phái mới nói luân-hồi và niết-bàn là hai thể « hữu » và « vô » khác nhau.

83