Trang:Phat giao dai quan.pdf/102

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 100 —

Cả đạo Phật là gồm trong một chữ khổ. Ở đời là khổ, làm người là lầm, ấy tôn-chỉ của đạo Phật là thế. Bởi ở đời là khổ, nên người ta ai cũng băn-khoăn mà tìm đường thoát khổ. Nếu từ lúc lọt lòng cho đến khi vùi rập được sung-sướng trọn-vẹn cả, không phải sự gì phiền-muộn đau-đớn, không gặp cảnh gì trái ngược thảm-thương, thời chắc không phải nhọc lòng mà nghĩ đến kế giải-thoát. Nhưng, than ôi! cái hạnh-phúc hoàn-toàn không phải ở đời này, mà sự khổ-não gian-truân là thân-phận của người ta. Đã sinh ra kiếp làm người, ai cũng phải khổ, kẻ khổ ít, người khổ nhiều, có người mang cái đau-đớn ở trong lòng như con trùng độc hằng ngày nhấm gan đục óc, có kẻ đeo cái ủ-dột ở ngoài mặt, như cơn mây tối che ám một góc trời thu; có người khổ ngấm-ngầm như ngậm cay nuốt đắng, có người khổ vỡ-lở ra giọng khóc lời than; mỗi người đau một vẻ, mỗi người khổ một nỗi, nhưng ai ai cũng đã từng đau-khổ cả, ai ai cũng còn phải đau-khổ nhiều.

Nay đạo Phật gốc ở sự khổ mà ngọn ở phép cứu-khổ, cho nên có thể nói đạo Phật tức là một đạo cứu-khổ. Muốn cứu-khổ phải biết nguyên-nhân sự khổ. Trong trời đất, trên cõi đời, duy có sự khổ là hiển-nhiên, ai cũng phải chịu như thế. Bởi sao mà khổ? bởi cái lòng tham sống nó thúc-giục người đời cứ quay-cuồng xuẩn-động hoài để tự mình làm cực cho mình, không biết rằng hành-động tức là tạo-nghiệp, tạo-nghiệp tất có nghiệp-báo, nghiệp-báo ắt phải luân-hồi, luân-hồi là cứ chết đi sống lại hoài, đời-đời kiếp-kiếp, phất-phơ như cái ma trơi, phiêu-giạt trong khoảng vô-tận, khi mờ, khi tỏ, khi thấp, khi cao, vĩnh-kiếp không được bao giờ