mà không có nhiễm-trước mùi đời, còn sống trên đời mà đã được biết cảnh nát-bàn rồi. Cho nên Phật thường nói: « Nát-bàn ở đâu? Nát-bàn không phải xa đâu. Nát-bàn ở ngay trong lòng ta. Dẫu ngay kiếp này mà tu-hành đắc-đạo cũng là tới được nát-bàn rồi. » Nói tóm lại thời trực-giải-thoát, chân-nát-bàn, tức là những bậc triết-nhân quân-tử đứng trong thế-tục mà không nhiễm mùi tục, như cái hoa sen kia mọc trong đống bùn mà không nhiễm mùi bùn. Như vậy thời đạo Phật cũng như các tôn-giáo khác, mục-đích là cốt gây cho người ta một cái nhân-cách rất thanh-cao, khiến cho thoát được ra ngoài những sự xấu-xa bỉ-tiện ở đời mà đem tinh-thần tiêu-dao những chốn cao xa siêu-việt.
Nhưng cái đặc-sắc của đạo Phật là lấy sự khổ làm gốc. Đạo Phật cho cái thế-giới này là một nơi bể khổ, bể mênh-mông bát-ngát, không bến không bờ, mà loài người ta cùng muôn giống trong thế-giới là trầm-luân cả trong cái bể khổ ấy, từ đời kiếp nghiệp lai nào, khó lòng mà cứu vớt ra được. Bởi thế nên có người trách đạo Phật là một đạo chán đời. Đạo Phật vẫn là một đạo chán đời, và tôi thiết-tưởng không những đạo Phật, dẫu tôn-giáo nào cũng là có một cái chủ-nghĩa chán đời. Thế nào gọi là chán đời? Chán đời là trông thấy sự đời không lấy làm bằng lòng, chưa cho là mãn-nguyện. Có chưa cho là mãn-nguyện, không lấy làm bằng lòng thời mới có cái chí chữa sửa cho đời, siêu-việt sự đời. Các bậc giáo-chủ xưa nay bậc nào cũng có hoài-bão một cái chí đó, mà sở-dĩ có cái chí đó là bởi không cam-tâm chịu những cảnh trái-ngược ở đời, muốn ra tay sửa lại đặt lại cho xuôi cho