Trang:Phat giao dai quan.pdf/11

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 9 —

hợp với thể-lệ một hội học. Nhưng phải biết rằng giảng về tôn-giáo có nhiều cách: một cách là đem một cái đạo mình tin mà lập-tâm cố-ý khuyến-dụ người ta theo mình, lại có ý bài-bác các đạo khác không giống với đạo mình, như thế là can-thiệp đến quyền tín-giáo của người ta, như thế thời thể-lệ các hội học thường hay nghiêm-cấm. Nhưng chắc các Ngài cũng rõ rằng mục-đích bài diễn-thuyết bữa nay không có đâu như thế. Tôi tuy mộ triết-lý đạo Phật cao-thâm, mà tôi không phải là môn-đồ nhà Phật, chủ-ý không phải là muốn khuyên các Ngài thí-phát đi tu, ăn tray thụ-giới, thật không phải thế! Chỉ mong các Ngài nghe truyện Phật mà phấn-khởi được chút lòng đạo-đức, biết rõ công-đức của một vị thánh-nhân rất đáng kính đáng trọng của đất Á-châu cũ ta đã sinh ra từ hai ngàn năm trăm năm nay, mà hiện bây giờ còn tới năm trăm triệu con người sùng-mộ. Dẫu người nào không tin đạo Phật, cho đạo Phật là giả-dối sai-lầm, ghét bọn tăng-ni là ngu-si phóng-túng, cũng phải chịu rằng Phật-tổ là một người « siêu-nhân-loại », nghĩa là tài-trí tâm-địa cao hơn cả người đời, đáng đem làm gương cho thế-nhân. — Vả ngày nay ở các trường đại-học bên Âu-Mĩ, bên Nhật-bản, đã đặt hẳn một lớp học dạy về lịch-sử các tôn-giáo, như vậy thời tôn-giáo đã thành một khoa học-vấn, một khoa khảo-cứu, chớ không phải là một sự tín-ngưỡng mà thôi. Lại xem như các ông bác-học bên Âu-châu khảo về đạo Phật, phần nhiều là các ông cố đạo Thiên-chúa; như quyển sách tôi cầm đây là sách của một ông sư tàu nói về truyện Phật, mà dịch-thuật ra chữ Pháp chính là một ông cố tây giảng đạo ở bên