— Truyện ấy gọi là « bố-kim-mãi-địa » (布 金 買 地 = rải vàng mua đất), không biết có thật đúng như thế không, nhưng cũng đủ chứng rằng đương Phật sinh-thời đã có người mộ-đạo Phật đến phí của một cách cực hào-phóng mà không tiếc vậy.
Kỳ-viên (Jétavana) là nơi Phật thường ở luôn, dù đi thuyết-pháp đâu rồi cũng hay về đấy. Song Phật bình-sinh vẫn không có định-cư. Chính ngay ở Xá-vệ, Phật cũng còn ở một nơi nữa gọi là Đông-viên (東 園 = Purvarama), của một người tên là Visâkhâ dâng.
Phật đến Xá-vệ, thiên-hạ ra xem đông lắm. Vua Ba-ti-nặc (Prasénajit) cũng như vua Tần-bà-sa-la cùng sinh một ngày với Phật, nghe nói có Phật đến, chưa tin, không ngờ người còn trẻ thế mà đã đắc-đạo rồi, bèn thân-hành đến xem và chất-vấn về đạo. Phật thuyết-pháp cho vua nghe, giải ngờ cho vua rõ. Bài thuyết-pháp ấy gọi là « Thiếu-niên-kinh » hay là « Gương thiếu-niên » (Dahara Sutra, Kumara drichtânta sutra), là một bài trứ-danh nhất của Phật.
Tự thành Xá-vệ, Phật trở về thành Già-tỉ-la (Kapilavastu) là tỉnh nhà, đã hơn sáu năm nay chưa về. Vua cha, cả nhà, cả họ và cả dân trong thành thỉnh-cầu mãi Phật mới chịu về. Phật về, mọi người đều vui-vẻ đón-rước, rồi cùng với đệ-tử trụ-trì trong vườn Ni-cư-đà (尼 居 陀 = Nyagrodha), vì Phật đã xuất-gia rồi, không có để chân vào nơi cung-điện cũ nữa. Tự khi Phật về nhà, nhân-dân nao-nức theo đạo, người ta ham-mê nhiệt-thành quá, ai cũng có cái chí xuất-gia. Bao