Trang:Phat giao dai quan.pdf/65

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 63 —

vì thế nên khổ. Đã có thân ở đời tất có hành-động, hành-động tức là tạo-nghiệp, tạo-nghiệp là buộc mình vào cõi đời, vào trong vòng sinh-tử vô-cùng, như bánh xe quay, không biết bao giờ thôi, vì nghiệp sau là kết-quả của nghiệp trước mà lại là nguyên-nhân cho nghiệp sau nữa, giây nhân-quả vô-cùng, thời vòng tử-sinh vô-tận. — Đó là khởi-điểm hai cái lý-thuyết về « nghiệp-báo » (Karma) và « luân-hồi » (Samsâra), là hai cái then-chốt của các tôn-giáo triết-học của An-độ, và là cái mầm triết-lý của đạo Phật sau này vậy.

Nói tóm lại thời hồi đầu Ấn-độ thờ nhiều thần, sau nhờ sự triết-lý tư-tưởng mới dần-dần trừu-tượng thành một vị cao hơn hết cả, để hình-dung toàn-thể vũ-trụ, gọi là Bà-la-ma. Nguyên-thủy chỉ có Bà-la-ma như một thể hồn-nhiên vô-hình vô-ảnh. Thể ấy còn bình-tĩnh thời chưa có một giống gì, nhất-động mới phân-tán thành vạn-vật. Đương hồn-nhiên, thành sai-biệt; đã bắt đầu sai-biệt thời càng ngày càng sai-biệt mãi, càng sai-biệt bao nhiêu càng xa-cách nguyên-thủy bấy nhiêu, càng xa-cách nguyên-thủy bao nhiêu càng sinh ra đau-khổ bấy nhiêu. Bởi đó mà sinh ra cái thế-giới « hữu-tình » này là chốn tạo-nghiệp vô-cùng, sinh-tử vô-cùng, trầm-luân vô-cùng, khổ-não vô-cùng.

Xét như trên thời tư-tưởng Ấn-độ càng tiến lên bao nhiêu càng rõ ra cái đặc-sắc yếm-thế vậy. Linh-hồn đã dời toàn-thể mà ra, như cái quả trên ngành dơi xuống, thời tiện-thị là chịu khổ từ đấy. Nay làm thế nào thoát-ly được sự khổ ấy? Làm thế nào cho khỏi sự làm người, khỏi vòng sinh-tử? Làm thế nào tìm được con đường giải-thoát?