Trang:Phat giao dai quan.pdf/71

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 69 —

phải tu-luyện thế nào cho thoát được cõi đời, cho ra ngoài vòng sinh-tử. Bởi thế mà đạo Phật chính là một đạo giải-thoát. Phật bảo các đệ-tử rằng: « Này các đệ-tử, ta nói cho mà biết: nước ngoài bể khơi, chỉ có một vị là vị mặn, đạo ta dạy đây, cũng chỉ có một vị là vị giải-thoát vậy ».

Đó là nói tóm cho biết cái tôn-chỉ đạo Phật, nay phải phân-tách từng phần mà xét tường, cho biết bốn đề trên kia quan-hệ với nhau thế nào.

Đệ nhất đề: luân-hồi và nghiệp-báo. — Trung-tâm đạo Phật là thuyết về luân-hồi, nghĩa là vạn-vật đã vào trong vòng sinh-tử thời cứ sống đi chết lại mãi mãi, không bao giờ cùng, cũng như cái bánh xe đã quay thời càng quay càng tít, không bao giờ dừng. Trên kia đã nói rằng thuyết này là một lý-tưởng chung của các đạo-giáo Ấn-độ; các giáo không những coi là một cái lý-tưởng, mà lại coi như một sự tín-ngưỡng, giáo nào cũng đều công-nhận cả, không hề nghị-luận đến bao giờ. Nhưng xét ra đạo Phật có ý muốn phát-siển cái thuyết ấy một cách rõ-rệt hơn các giáo kia. Theo thuyết ấy thời đã sinh ra tất phải chết đi, đã chết đi tất phải sinh lại, sinh-tử tử-sinh, vô-cùng vô-hạn, hết đời nọ đến kiếp kia, hết kiếp này đến đời khác, chữ phạn gọi là samsâra, chữ Tàu dịch là luân-hồi. Nhưng những đời-đời kiếp-kiếp ấy, tử-tử sinh-sinh ấy là làm nhân-quả lẫn cho nhau, không phải là vô-bằng vô-cứ; các việc hiện xẩy ra ở đời này là sự thưởng hay là sự phạt những việc đã xẩy ra trong kiếp trước, và là nguyên-nhân mầm-mống những việc sẽ xẩy ra về kiếp