Trang:Phat giao triet hoc.pdf/94

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

Nhân quả nối tiếp xây vần không bao giờ đứt. Đó là cái đạo lý của phiếm thần luận.

Trong cuộc nhân quả tương tiếp tương thừa ấy, nếu lấy riêng một vật, thì vật nầy thấy như có thỉ có chung, tức là có sanh có hoại. Nhưng mà hoại lại là cái nhân cho tái sanh. Mất rồi lại có. Có rồi lại mất. Đảo đi đảo lại vô cùng tận. Như thế cho nên nhân của cái nhân, thì vô thỉ. Mà đã có nhân thì có quả. Quả của cái quả thì vô chung.

Trong hiện tượng giới, ta thấy có sanh có diệt, có thỉ có chung, ta cho là vô thường. Nhưng nếu xét toàn thể vũ trụ, đứng về thật tại giới, thì chẳng còn sanh diệt, mà vạn hữu là thường trụ.

Khảo về hiện tượng giới, phật giáo có « duyên khởi luận ». Khảo về thật tại giới, phật giáo có « thật tướng luận ». Nhưng phân ra hai luận như thế để xét về hai phương diện, kỳ thật kết cuộc lại chỉ cốt đến chỗ rõ « nhứt như ».

92