phải tư-tưởng của Khổng tử hay học trò ngài.
Điều đó đích-xác! Xưa nay không ai chối cãi. Theo sự nhận-thấy của tôi, thì sách Lễ ký chẳng những nhiều chỗ không phải tư-tưởng của Khổng-môn, mà giọng văn của nó, cũng khác hẳn giọng văn của sách Luận ngữ. Hơn nữa, ở thiên Khúc-lễ — thiên thứ nhất trong kinh Lễ — lại có những chữ thanh-long, chu tước, huyền-vũ, bạch-hổ, thứ chữ của âm-dương-gia, mới có từ Hoài-nam tử (người về đời Hán), chứ đời Khổng-tử chưa có. Coi hai chỗ đó, đủ thấy Lễ-ký không phải sách của Khổng-môn còn lại.
⁂
Lễ-ký đã là sách giả mạo, thì Đại-học, Trung dung, tất nhiên không thể là sách đích thực.
Bởi vì, hai cuốn sách ấy, trước kia chỉ là hai thiên trong sách Lễ-ký. Nó đã nằm yên với các thiên khác trong sách ấy từ cuối đời Hán đến đầu đời Tống, nghĩa là gần một nghìn năm. Tới giữa đời Tống, Chu-Hy mới bắt nó phải ly-dị với sách Lễ-ký mà đứng riêng ra làm hai cuốn, để góp với sách Luận-ngữ và sách Mạnh-tử làm thành một bộ Tứ-thư là những sách đích của Khổng-môn.