của Tăng-tử và Tử-tư, không thể bảo là tư-tưởng của Khổng-tử được, dù hai ông đó một là học trò, một là đích-tôn của ngài.
Bởi vì những mớ tư-tưởng từ óc Khổng tử truyền sang đến óc các ông học trò, phần nhiều đã có biến-hóa tính-chất, chứ nó không phải là những cục gỗ, cục đá, tha hồ khiêng-vác, vẫn không thay hình đổi dạng.
Cứ như ở sách Hàn-tử thuật lại, thì sau khi Khổng-tử mất đi, đạo Nho chia ra làm tám phái cả thảy. Trong tám phái đó, điều lấy, điều bỏ không ai giống ai, mà ai cũng nhận cái thuyết của mình mới thật là của Khổng-tử.
Lại như trong sách Luận-ngữ đã chép, thì khi học trò Tử-Hạ đến hỏi Tử Trương về lối giao-du, Tử-Trương cũng nói những điều của mình đã nghe được ở Khổng-tử, khác hẳn với những điều Tử-hạ đã dạy.
Những sự khác nhau của các học trò Khổng-tử tức là bằng chứng về sự biến hóa giữa những tư-tưởng của Khổng-tử và tư tưởng của mấy ông đó. — Nếu không biến hóa, thì tư-tưởng của các ông ấy tất nhiên phải đúng như nhau, cớ sao lại khác nhau được?