Người đọc truyện nên nhận thấy chỗ này trước nhất: Hết thảy cái lịch-sử của cô thiếu-nữ bạc-mạng ấy được chép lại đây cho bà con xem, chỉ bởi cô là một người con gái mà lại quyết lòng cầu học. Giá Nghi cứ làm như một người thường, như hàng triệu cô thiếu-nữ khác, nghe lời cửu Thưởng mà thôi học đi, lấy chồng đi, thì có lẽ ngày nay chẳng những cô còn sống mà lại gia-đình sầm-uất, con cái sum-sê, trở nên một bà nhà giàu sang trọng, chứ có đâu đến nỗi công bất thành, danh bất toại, rút cục chỉ một mảnh hồn thơ phiêu-bạc ở đất người? Nhưng mà nếu thế, thì lại đã không có truyện rồi!
Nói tiếp trên kia. Một trăm đồng bạc ấy Nghi tiêu dè-dặt được ba tháng trọn. Con nhà giàu mà biết hà-tiện đồng tiền như Nghi cũng ít có. Vì cha chết sớm, từ tám tuổi đã ở xa mẹ, không được ai tưng-tin quà-xén cho; mẹ chết rồi lại gặp ông anh « đá », không thí cho một đồng một chữ: trong tay ít khi có đồng tiền, nên khi có thì biết tiếc. Cái đức tính tốt ấy đáng lẽ làm cho Nghi dễ chịu, khỏi phải lo sự thiếu-hụt trong khi ở đất khách quê người; song thương hại cho nàng, với nàng, cái đức tính tốt ấy nhiều khi thành ra vô dụng: vì người ta có tiền mới nói đến tiết-kiệm, chứ đã đến không có đồng nào thì còn tiết-kiệm vào đâu!
Sau đó cứ mỗi tháng ba chục, phán Thục gửi rất có điều độ cho Nghi. Mỗi lần nhận được