Đó chẳng những vì sự uy-hiếp đã quen của một gia-đình chuyến-chế, mà cũng do sự ức-đoán trong trí Nghi khiến cô phải ngậm mồm. Nghi nhớ lại lúc từ-giã bà giáo, bà có hứa sẽ can-thiệp cho khi bị sự ngăn-trở của gia-đình; nay có sự đòi-hỏi này, có lẽ bởi bà giáo đã được tin mà lấy quyền nhà-trường can-thiệp. Nghĩ đến đó nên dù bị mắng bị rầy, Nghi cũng cứ làm thinh mà chịu; lại thêm thấy cửu Thưởng lo sợ ngày đêm, thiếu điều mất cả máu mặt, thì Nghi lại động lòng trắc ẩn mà thương-hại cho anh.
Ngày hôm sau, cửu Thưởng vào đến tòa, trước chỗ quan Công-sứ ngồi thì thụp xuống lạy bốn lạy. Không đợi quan hỏi gì cả, chàng cứ một mực kêu xin, nói rằng tại mẹ chết vừa chôn xong nên Trần-thị Nghi chưa kịp trở lại trường, chứ không phải hắn bắt ở nhà, không cho đi học nữa.
Quan Công-sứ hết sức ngạc-nhiên, hỏi người thông-ngôn chứ anh-chàng ấy làm cái gì mà rộn rịp thế! Thông-ngôn thuật lại những lời cửu Thưởng kêu oan cho ngài nghe, thì ngài lắc đầu nói mình không biết việc gì, sở-dĩ đòi hắn đến đây là chỉ để giao tặn tay hắn một phong-thư của trong tòa Phan-thiết gởi ra cho hắn mà thôi.
Quan công-sứ kêu cửu Thưởng đến và trao cho một phong-thư. Chàng còn toan lắp lại những lời ban nãy một lần nữa, nhưng người thông-ngôn không cho, bảo xong việc rồi thì đi ra, ở đây không ai biết đến việc ấy.